Hình ảnh cậu học trò là thành viên duy nhất trong lớp không có giấy khen đã gây tranh cãi rất nhiều trên mạng xã hội thời gian qua.
Thời còn đi học, thứ ghi nhận công sức học tập sau 1 năm học chính là giấy khen. Ai cũng bảo đi học cốt lấy kiến thức nhưng quả thật không phải ai cũng nhìn thấy sự cố gắng học tập suốt 1 năm học của bạn, mà họ chỉ đánh giá qua thứ hiện hữu dễ nhìn nhất là giấy khen. Ai có càng nhiều giấy khen lại càng được khen học giỏi và có nhiều cố gắng.
Thời gian qua nảy ra cuộc tranh cãi khi bức ảnh cả lớp đều được nhận giấy khen, chỉ riêng một cậu bé không có và ngồi lạc lõng trong lớp. Hình ảnh đã khiến nhiều người thương cảm cho tình cảnh của cậu học trò, thậm chí còn cho rằng đôi khi chính những cá thể học kém đó mai này lại thành công hơn những thành viên còn lại trong lớp.
Trước những ý kiến trái chiều đó, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những góc nhìn riêng chia sẻ trên trang cá nhân. "Anh Chánh Văn" cho rằng cần nhìn nhận sự thật rằng việc một đứa trẻ không có giấy khen là một vấn đề, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng hay không còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của cha mẹ.
Nguyên văn dòng chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú như sau:
"Mùa họp phụ huynh đến rồi, xin gửi tặng các cha mẹ có con giống như cậu bé trong ảnh: Không có giấy khen!
Ở cái thời chúng ta đi học, số bạn có giấy khen luôn ít hơn số bạn không có giấy khen. Nhưng ở cái thời này, cũng phải chục năm nay rồi, giấy khen đã được phổ cập, không có lưu ban và mọi đứa trẻ đều hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nên nếu con ta không có giấy khen, thật sự là cú shock với nhiều cha mẹ. Thôi, đừng nói an ủi nhau rằng "đời bố cũng không được giấy khen nên con không có cũng không sao". Cũng đừng nói kiểu "sau này thằng không có giấy khen sẽ làm sếp của lũ có giấy khen". Tôi nghĩ những lời an ủi đó không vui chút nào.
Tôi vẫn nghĩ chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thành thật với nhau rằng việc một đứa trẻ không có giấy khen là một vấn đề. Nghiêm trọng hay không là tuỳ từng cha mẹ. Tôi biết nhiều cha mẹ có thể shock nhưng không biến nó thành nghiêm trọng. Có những cha mẹ sẽ đau đầu vật vã. Là tôi chắc tôi cũng sẽ shock dù tôi vẫn nói tôi không quan trọng thành tích học tập của con. Tôi sẽ buồn vì tôi biết con mình đang rất đau khổ.
Chuyên gia giáo dục - nhà văn Hoàng Anh Tú.
Lũ trẻ không vô tư khi chỉ mình mình không có giấy khen đâu. Tôi sẽ không nói với con kiểu: "Ồ không sao cả". Tôi thấy nếu tôi nói thế, con tôi sẽ chẳng bớt buồn. Tôi sẽ nói với con về thất bại và quyền được thất bại của con. Chúng tôi sẽ cùng nhau tìm giải pháp để bằng chúng bằng bạn trong năm kế tiếp. Tôi có thể chuyển lớp cho con nếu như việc này có dấu hiệu ám ảnh con.
Ở đây, đó là trách nhiệm. Là con chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm của chúng. Tấm giấy khen phổ cập là trách nhiệm mà con phải hoàn thành. Chứ không phải có giấy khen đó cho mặt mũi, sĩ diện của bố mẹ. Ở một góc độ nào đó, chúng ta cần phải thừa nhận rằng con chúng ta đang dốt nhất lớp, lười nhất lớp và không quan tâm đến việc học hành.
Vậy đó có thể là vì điều gì? Vì không học được hay không muốn học? Vì cô giáo không quan tâm hay vì đứa trẻ đang không quan tâm? Vì chúng ta bỏ mặc con hay vì con đã bỏ mặc việc học hành? Là gì thì chúng ta hãy cứ phải đi tìm cho ra lý do.
(Ành minh họa)
Tôi phản đối việc nhiều cha mẹ đặt nặng thành tích của con cái thành sĩ diện của bản thân. Nhưng tôi cũng không ủng hộ việc cha mẹ coi nhẹ việc học hành của con, coi chuyện học hành của con sao cũng được miễn con là kẻ tử tế. Giáo dục và kiến thức góp phần giúp con bạn trở thành người tử tế đấy.
Hẳn bạn nhớ câu: Nhiệt tình + Ngu dốt = Phá hoại. Kiến thức nhà trường dù thế nào thì nó cũng có những giá trị nhất định. Như những điểm 10 giúp con ham học hơn. Như những điểm 1 khiến con chán nản đi. Điểm số cũng có những tác động đến tinh thần học tập của con. Một đứa trẻ ham học hỏi vẫn tốt hơn một đứa trẻ lười học hỏi. Mà giấy khen ở mức độ phổ cập thế này thì việc con bạn trở thành đứa trẻ chán học vì chẳng có giấy khen là rất dễ xảy ra.
Mùa họp phụ huynh đã tới. Tôi vẫn hào hứng đợi kết quả học tập của con mình. Không phải để tự hào vì chúng đạt học sinh giỏi mà là để chung vui với thành công bước đầu của con. Không phải để giận dữ nếu con học kém, không có giấy khen, mà là để chia sẻ cùng con về thất bại đầu đời. Là gì thì con tôi cũng là trung tâm của chính chúng. Chứ không phải học cho bố mẹ.
Phải! Tôi may mắn khi cả 3 đứa nhà mình đều thuộc về 99% những đứa trẻ có giấy khen. Nên thật khó để khuyên nhủ những bậc cha mẹ có con học lực trung bình hay không có giấy khen. Chỉ là mong lắm một cái ôm cha mẹ hãy dành tặng con mình sau cuộc họp phụ huynh thay vì vẻ mặt hầm hầm. Con mình, dù thế nào, vẫn mãi là con mình mà, phải không?"